6/4/11

GIA TRI COT LOI

Những giá trị cốt lõi của Công ty Walt Disney là trí tưởng tượng và lợi ích cho sức khỏe con người - những thứ này không xuất phát từ những nhu cầu của thị trường mà từ niềm tin nội tại của người sáng lập rằng: người ta phải nuôi dưỡng trí tưởng tượng và lợi ích cho sức khỏe con người và chỉ vậy mà thôi.
William Procter và James Gamble đã đưa trọng tâm về tính ưu việt của sản phẩm vào nền văn hóa của công ty P&G không đơn thuần như là một chiến lược để dẫn tới thành công mà như là một triết lý mang tính tôn giáo. Và giá trị đó đã được những người trong P&G truyền lại cho nhau trong suốt hơn 15 thập kỷ.
Sự phục vụ cho khách hàng - ở mức gần như quỵ lụy - là phong cách sống tại Nordstrom (cơ sở này ra đời từ năm 1901, tám thập kỷ trước khi các chương trình phục vụ khách hàng trở thành thời thượng).
Đối với Bill Hewlett và David Packad thì sự tôn trọng dành cho cá nhân là giá trị cá nhân sâu sắc nhất; họ không có được giá trị đó qua sách vở hay qua các tiền bối trong ngành quản lý.
Và Ralph S Larson, Tổng giám đốc điều hành của công ty Johnson & Johnson, giải thích : "Những giá trị cốt lõi nằm sâu ẩn trong niềm tin của chúng tôi có thể là một lợi thế cạnh tranh, nhưng đó không phải là lý do tại sao chúng tôi có những giá trị đó. Chúng tôi có chúng vì chúng xác định chúng tôi đang đeo đuổi gì, và chúng tôi sẽ lưu giữ chúng ngay cả khi chúng đã trở thành một bất lợi cạnh tranh trong một số tình huống nào đó."
Điểm mấu chốt là một công ty lớn phải tự quyết định về những giá trị nào mà mình cho là cốt lõi, phần lớn biệt lập với môi trường đương thời, những nhu cầu cạnh tranh, hay những trào lưu quản lý. Như vậy rõ ràng là không có một tập hợp giá trị cốt lõi đúng cho mọi lúc mọi nơi. Một công ty không nhất thiết phải có giá trị cốt lõi dưới hình thức hệ thống phục vụ khách hàng (Sony không có) hay sự kính trọng dành cho cá nhân (Disney không có) hay chất lượng (Wal-Mart Stores không có) hay tập trung vào thị trường (HP không có) hay sự cộng tác nhóm (Nordstom không có). Một công ty có thể có những họat động tác nghiệp và những chiến lược kinh doanh xây dựng quanh những đặc tính mà không nhất thiết dùng chúng như là chất tinh túy để giá trị cốt lõi của mình hiện hữu. Thêm nữa, những công ty nổi danh không nhất thiết phải có những giá trị cốt lõi dễ thương hay nhân ái, tuy rằng nhiều công ty có chúng. Điểm chính yếu không phải là những giá trị cốt lõi gì công ty có được, mà là công ty có những giá trị cốt lõi đó, bất luận là gì.
Các công ty có khuynh hướng chỉ có một vài giá trị cốt lõi, thường là từ ba đến năm. Quả vậy trong số những công ty có xây dựng tầm nhìn mà chúng tôi đã nghiên cứu cho tập sách của chúng tôi thì không có công ty nào có trên năm giá trị cốt lõi: đa số chỉ có ba hay bốn. (Xem trích dẫn "Các giá trị cốt lõi là những chủ thuyết thiết yếu của một công ty.") Và, quả vậy, chúng ta phải trông đợi điều đó. Chỉ có một vài giá trị là mang tính cốt lõi - nghĩa là thiết yếu và được tôn trọng cho nên chúng gần như không bao giờ thay đổi.
Sau khi bạn đã sọan ra một danh sách sơ khởi gồm các giá trị cốt lõi, với mỗi giá trị bạn hãy đặt câu hỏi: "Nếu có các tình huống thay đổi và ta bị trừng phạt vì việc lưu giữ những giá trị đó, liệu ta sẽ vẫn còn giữ nó lại không?" Nếu bạn không thể thật tình trả lời là "sẽ" thì giá trị đó không mang tính cốt lõi và bạn nên gạt nó ra khỏi danh sách.
Một công ty kỹ thuật cao đã thắc mắc có nên đưa chất lượng vào danh sách những giá trị cốt lõi của mình hay không. Vị tổng giám đốc điều hành đặt câu hỏi: "Giả sử như trong vòng 10 năm nữa, chất lượng không còn tạo ra sự khác biệt sâu xa trong các thị trường của chúng ta. Giả sử điều quan trọng duy nhất chỉ là tốc độ và mã lực chứ không phải chất lượng. Liệu chúng ta vẫn sẽ còn muốn đưa chất lượng vào danh sách những giá trị cốt lõi hay không?" Các thành viên trong ban giám đốc nhìn nhau và cuối cùng nói không. Chất lượng được giữ lại trong chiến lược của công ty và các chương trình cải tiến chất lượng được giữ lại như là cơ chế nhằm thúc đẩy tiến bộ; nhưng chất lượng không nằm trong danh sách những giá trị cốt lõi.
Kế đó nhóm giám đốc này tranh luận kịch liệt xem sự dẫn đầu về đổi mới có phải là một giá trị cốt lõi không. Vị tổng giám đốc hỏi: "Chúng ta sẽ giữ lại sự đổi mới như là một giá trị cốt lõi trên danh sách hay không, bất luận thế giới quanh ta biến chuyển như thế nào?". Lần này ban giám đốc đồng loạt nói lớn "có". Ý kiến của các vị giám đốc có thể được tóm lược như sau, "chúng ta luôn luôn muốn thực hiện sự dẫn đầu về đổi mới, chính vì vậy chúng ta mới là chúng ta. Điều đó thực sự quan trọng cho chúng ta và luôn luôn sẽ như vậy. Bất luận điều gì xảy ra. Và nếu thị trường hiện nay của chúng ta không lấy điều đó làm quan trọng thì chúng ta sẽ đi tìm những thị trường xem trọng điều đó". Sự dẫn đầu về điều đổi mới được giữ lại trên danh sách và sẽ ở lại đó mãi. Một công ty không nên thay đổi các giá trị cốt lõi của mình theo những thay đổi của thị trường; đúng hơn nếu cần thì công ty nên chuyển đổi thị trường để giữ vững các giá trị cốt lõi của mình.
Vấn đề ai sẽ tham gia vào việc nêu lên các giá trị cốt lõi sẽ tùy theo qui mô, tuổi đời và sự phân tán theo vùng địa lý của công ty, nhưng trong nhiều tình huống chúng tôi đã khuyên điều mà chúng tôi gọi là nhóm hỏa tinh. Ý tưởng này như sau : Bạn hãy hình dung người ta yêu cầu bạn tái lập những tính chất tốt đẹp nhất của tổ chức của bạn ở một hành tinh khác, nhưng bạn chỉ đủ chỗ trong phi thuyền cho 5 đến 7 người. Bạn sẽ gửi ai đi? Rất có thể là bạn sẽ chọn những ai hiểu biết cặn kẽ về các giá trị cốt lõi của công ty, những ai được các cộng sự tin cậy nhất, và những ai có năng lực cao nhất.
Các giá trị cốt lõi là những niềm tin thiết yếu của một công ty
Merck
□ Trách nhiệm xã hội của công ty
□ Tính ưu việt nổi bật trong mọi khía cạnh của công ty
□ Sự đổi mới dựa trên khoa học
□ Tính chân thật và kiên định
□ Lợi nhuận nhưng là thứ lợi nhuận bằng lao động và có lợi ích cho nhân lọai
Nordstrom
□ Phục vụ khách hàng là tiên quyết
□ Tính cần cù và năng suất cá nhân
□ Không bao giờ tự mãn
□ Tính ưu việt về danh tiếng: là một phần của cái gì đó đặc biệt
Philip Morris
□ Quyền tự do chọn lựa
□ Chiến thắng-đánh bại các đối thủ một cách minh bạch
□ Khuyến khích sáng kiến cá nhân
□ Cơ hội thăng tiến dựa trên công trạng; không ai được ưu tiên gì
□ Tính cần cù và luôn tự cải tiến
Sony
□ Nâng cao nền văn hóa Nhật và vị thế quốc gia
□ Là người tiên phong - chứ không phải người theo đuôi: thực hiện điều bất khả thi
□ Khuyến khích khả năng và tính sáng tạo của cá nhân
Walt Disney
□ Không mang tính hoài nghi
□ Nuôi dưỡng và truyền bá "những giá trị tốt đẹp của Mỹ"
□ Tính sáng tạo, ước mơ và trí tưởng tượng
□ Chú trọng cuồng tín vào tính nhất quán và chi tiết
□ Bảo tồn và kiểm sóat điều thần kỳ Disney
Chúng ta sẽ thường yêu cầu những người được mời làm việc về các giá trị cốt lõi để họ chỉ định 1 nhóm Hỏa tinh gồm 5 đến 7 người ( không nhất thiết tất cả đều ở trong nhóm đã được qui tụ). Lần nào cũng vậy, họ kết thúc việc chọn lựa những đại diện rất đáng tin cậy, những người này sẽ thực hiện rất tốt việc chọn lựa các giá trị cốt lõi chính vì họ là những người biểu trưng cho những giá trị đó - một mảng biểu trưng của mã số di truyền của công ty đó.
Những giá trị này phải mang tính căn bản đến mức bạn sẽ bám lấy chúng bất luận những giá trị đó có được khen thưởng hay không. Bạn sẽ nói cho con cháu những giá trị cốt lõi nào mà bạn giữ lại với công việc và bạn hy vọng rằng họ sẽ theo đuổi những giá trị đó khi họ ra đời làm việc? Nếu sáng mai bạn thức dậy và có đủ tiền để nghỉ ngơi đến cuối đời, bạn sẽ vẫn còn sống với những giá trị cốt lõi đó không? Bạn có thể hình dung những giá trị đó như là vẫn còn kiến hiệu trong 100 năm nữa hay không? Liệu bạn sẽ vẫn bám lấy những giá trị cốt lõi đó hay không, ngay cả vào một thời điểm nào đó một hay vài giá trị đó trở thành một khuyết điểm cạnh tranh? Nếu bạn phải khởi đầu một tổ chức mới vào ngày mai trong một ngành nghề khác thì bạn sẽ đưa vào tổ chức mới đó những giá trị cốt lõi nào bất luận nó thuộc ngành nghề nào? Ba câu hỏi sau cùng có tầm quan trọng đặc biệt vì chúng tạo ra sự khác biệt chính yếu giữa những giá trị cốt lõi lâu dài không thay đổi và những tập quán và những chiến lược cần phải được thay đổi thường xuyên.